Skip to main content

Nguyên tắc Sống đơn giản

 1. Hạnh phúc là mục tiêu của đời người, và có rất nhiều cách để đạt được

Hạnh phúc là sự thỏa mãn của con người khi đạt được, làm được hay sở hữu được một cái gì đó mà họ rất mong muốn. 

Hạnh phúc là một hành trình, tập hợp những điểm hạnh phúc trên đường sẽ mang lại hạnh phúc trên tổng thể. Hạnh phúc không phải là bạn đi 100km nhưng chỉ happy 5 km cuối. Hạnh phúc là bạn happy trên cả quãng đường 100km đó.

Thu nhập chỉ ảnh hưởng tới hạnh phúc trong giai đoạn đầu khi mà ta đang rất thiếu thốn. Khi thu nhập của bạn tới một mức nhất định thì hạnh phúc độc lập với thu nhập của bạn.

Hạnh phúc lại có cấp độ; đứng trước các cảnh đẹp khác nhau thì cảm xúc của bạn cũng khác nhau. Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi trúng giải vietlott 20 tỷ so với trúng 10 tỷ. Hạnh phúc khi hoàn thành một công việc vô cùng khó khăn sẽ hơn so với hạnh phúc có được khi đi bộ dưới hàng cây rợp bóng mát trong một chiều thu. Một công việc nào đó càng khó, đòi hỏi nhiều càng nhiều nỗ lực thì mức độ hạnh phúc khi hoàn thành sẽ càng cao. Đó là lý do tại sao những ông như Phạm Nhật Vượng, Trương Gia Bình hay Bin Gates mặc dù thừa tiền sống tới mấy đời vẫn cứ lăn lộn vất vả. Đơn giản là bạn chỉ có thể sử dụng tiền để mua hạnh phúc tới một mức nào đó, sau mức đó thì tiền không giúp gì được nhiều.

Cấp độ hạnh phúc có xu hướng tăng dần theo thời gian cùng với nỗ lực bỏ ra ngày càng nhiều hơn. Giả sử bạn có được hạnh phúc khi bỏ ra một khoản tiền để mua cái wave alpha, lần kế tiếp nếu mua đúng cái wave Alpha thì bạn chẳng cảm thấy gì cả, muốn hạnh phúc bạn phải mua cái xe đắt tiền hơn, ví dụ như Air Blade chẳng hạn. Nó có nghĩa là bạn phải bỏ ra nhiều tiền hơn (số tiền mà bạn vất vả mới kiếm được) thì mới có được hạnh phúc.

Tôi lấy ví dụ như trong môn chạy bộ. Khi lần đầu tiên tôi đạt cự ly 10km, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Các lần chạy tiếp theo đạt 10km tôi không còn cảm giác như lần đầu tiên nữa mặc dù công sức bỏ ra ngang nhau. Khi đạt tới cự ly 21km lần đầu tiên tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, lần này tôi cảm thấy hạnh phúc hơn so với lần 10km. Nhưng rồi thì 21km cũng trở thành hết sức bình thường, cứ như vậy, để cảm thấy hạnh phúc hơn tôi càng phải nỗ lực nhiều hơn. Nếu không duy trì nỗ lực tôi thậm chí còn bị thụt lùi về khả năng, lúc đó sẽ là trạng thái chán nản, thất bại.

Có vô số cách để khiến ta cảm thấy hạnh phúc. Nguyên tắc chung là hạnh phúc tỷ lệ thuận với nỗ lực mà bạn bỏ ra để có được trạng thái đó. Muốn hôm nay hạnh phúc thì hôm qua phải đổ mồ hôi. Sau một trận bóng đá, sau một hoạt động thể lực vất vả uống nước lọc cũng thấy ngon; đang yên đang lành uống nước lọc thì chẳng cảm thấy gì. Sau 6 ngày lao động vất vả thì 1 ngày nghỉ mới thấy happy. Đợi đói ăn mới ngon, ăn lúc căng bụng ngay cả cho dù có là món thèm muốn nhất cũng chán.

Cho dù thế nào thì cảm giác làm việc không phải vì tiền vẫn cứ thích hơn là làm vì tiền vì vậy hãy phát hiện ra ngưỡng của mình sau đó tuân thủ kỷ luật tìm niềm vui trong những thứ không phụ thuộc vào tiền.


Tóm lại nguyên tắc đầu tiên là bạn Phải dễ dàng cảm thấy hạnh phúc thông qua:

  1. Xác định ngưỡng A là điểm chuyển sang giai đoạn nếu theo đuổi vật chất thì sẽ phải tốn rất nhiều tiền. Khi bạn ngừng tại điểm A có nghĩa là bạn đã không còn để chi tiêu tăng theo đà tăng của thu nhập. Đó là lúc bạn sắp có cơ hội Tư do tài chính, hướng tới lúc đi làm mà không phải vì tiền.
  2. Hạnh phúc theo cách dùng tiền để mua hàng hóa/dịch vụ nhằm thỏa mãn sở thích là theo đuổi không có điểm dừng. Nó khiến cho bạn đi trên con đường mà nhiều người mắc phải đó là chi tiêu tăng luôn bằng hoặc cao hơn thu nhập. Không tích lũy rồi đến một lúc bạn sẽ phải trả giá cho những happy có được trước đó. Ngoài ra sở hữu càng nhiều thì bạn sẽ càng phải lo nhiều để giữ món đồ đó được toàn vẹn.
  3. Xác định rằng hạnh phúc tỷ lệ thuận với nỗ lực bỏ ra. Nỗ lực càng nhiều thì khi đạt được càng hạnh phúc. Nỗ lực có thể là:
    1. Tham gia một môn thể thao mà mình yêu thích, theo đuổi các mốc khó dần của môn đó. Khi nỗ lực đạt tới mốc đó bạn sẽ happy. Kết quả phụ đạt được là có sức khỏe ngày càng tăng.
    2. Đặt các mục tiêu khó trong công việc, theo đuổi các mục tiêu ngày càng khó khăn dần. Khi hoàn thành mục tiêu bạn sẽ happy. Kết quả phụ đạt được là ngày càng tạo ra nhiều giá trị hơn nhờ vậy thu nhập cao hơn.
    3. Đặt các công việc cần phải làm với gia đình ví dụ như chơi với con, dậy con học,….Khi hoàn thành các công việc thì gia đình happy, bạn sống trong đó cũng cảm thấy happy. Kết quả phụ đạt được là gia đình ngày càng gắn bó hơn.

Về nguyên tắc bạn không cần quan tâm tới những thay đổi về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước hay của thế giới. Cho dù có là ao nhỏ hay biển lớn thì rút cục độ nhẹ và chắc của con thuyền mới là yếu tố quyết định. Thay vì dự đoán bên ngoài, hãy làm mạnh bên trong.

Mục đích cuối cùng của đời người là sống một cuộc sống đáng sống. Một trong những yếu tố đó là bạn phải độc lập được với tiền, thoát khỏi áp lực cần tiền.

Nguồn: https://chienluocsong.com/5-nguyen-tac-song-don-gian-p1-dan-nhap-va-nguyen-tac-dau-tien/

--------------------------

2. Mọi thứ đều vận hành theo quy luật

Nhàn hạn 1 tuần thì ok, nhàn hạ 1 tháng ta sẽ thấy đó không còn là hạnh phúc nữa. Đó đúng là hạnh phúc nhưng là hạnh phúc ở cấp độ thấp và hạnh phúc cũng có nhiều loại khác nhau.

Ý thức về làm thế nào để bạn hạnh phúc sẽ dẫn dắt bạn rất nhiều trong hành động. Đánh đồng hạnh phúc với số lượng tiền bạc là một sai lầm và cho rằng nhàn rỗi sẽ mang lại hạnh phúc cũng là một sai lầm.

Nguyên tắc thứ hai của Sống đơn giản đó Mọi thứ đều vận hành theo quy luật. Nếu hiểu quy luật vận động bạn sẽ thấy mọi thứ diễn ra cũng không phức tạp như mình tưởng.

Tóm lại, tất cả mọi thứ cho dù có to lớn, phức tạp tới mấy cũng đều hình thành từ những thành phần đơn giản và được vận hành bằng những nguyên lý nhất định.

Đứng trước một vấn đề bạn phải có ý thức hướng tới tìm hiểu cấu thành và nguyên lý vận động (để bạn có thể nhớ, có thể hiểu, có thể làm và có thể truyền đạt cho người khác).  Chắc chắn nó có tồn tại, nhiệm vụ của bạn là tìm thấy và áp dụng nó.

*.Luật rừng trong thế giới loài người

Xã hội động vật như thế nào thì xã hội loài người như vậy. Bạn hiểu quy luật của xã hội động vật thì sẽ dễ dàng tham chiếu sang xã hội loài người; chỉ khác vì bạn là một thành phần trong chuỗi xã hội loài người nên không có cái nhìn toàn cảnh cả chuỗi được. Nhưng hãy hiểu rằng nó vận động như vậy; nếu muốn sống tự do hãy trồi lên các bậc cao hơn. Đừng lo, bạn sẽ không phải ăn thịt, bóc lột những người kém hơn bạn; bạn thậm chí có thể giúp đỡ họ tiến lên cùng bạn.

Bậc cao hơn đó không phải là chức vụ, là tiền bạc mà là sự hiểu biết. Sự hiểu biết có được là nhờ chính bản thân bạn; loại bỏ những thứ rườm rà cản trở bạn trên đường đi, bắt tay vào học hỏi, mỗi ngày một bước rồi một ngày đẹp trời bạn sẽ nhận ra mình đã tiến lên một bậc.

Cảm giác làm chủ cuộc sống của chính mình rất tuyệt vời. Đừng vì một vài thất bại ban đầu mà chui vào một góc rừng nhìn ra bên ngoài cả đời với con mắt sợ hãi. Bạn cũng chẳng trốn ở đó mãi được, một lúc nào đó bạn sẽ phải mò ra kiếm ăn.

*. Luật nhân quả

Mọi kết quả đều có nguyên nhân. Không cái gì tự đến rồi tự đi. Mọi thứ bạn nhận ngày hôm nay là kết quả của những cố gắng trong quá khứ. Những thứ bạn sẽ nhận được trong tương lai bắt nguồn từ những gì bạn đang và sẽ làm ở hiện tại.

Thay đổi lớn đều bắt đầu từ những thay đổi nhỏ.

Mọi thứ đều phải từ từ, giống như để nước sôi 100 độ thì cho dù ngọn lửa có thể nào thì nhiệt độ cũng tăng từ nhiệt độ hiện tại tới 100 độ. Không thể từ 30 độ nhẩy phát tới 100 mà không qua 40, 41,42,…..

Hiệu ứng Domino, con domino sau sẽ đổ nếu con trước nó đổ, cứ như vậy, tất cả domino sẽ đổ nếu chỉ duy nhất một con được chọn sẽ đổ. 

Một dự án có 10 đầu việc; chắc chắn 10 đầu việc này có mối quan hệ móc xích với nhau. Nếu bạn cố gắng cả 10 đầu việc thì bạn sẽ phân tâm và khó làm tốt được. Nếu bạn để tâm sức vào làm thật tốt một việc thì ngay cả 9 việc kia bạn không để ý thì có khi dự án sẽ còn hoàn thành tốt hơn.

Tương tự, nếu bạn định thay đổi bản thân thì liệt kê tất cả những thứ mình phải thay đổi được thì cũng tốt, nhưng việc thực hiện thì phải biết chọn cái nào là mấu chốt. Đôi khi chỉ cần bạn có thể dậy lúc 5h sáng, tập thể dục tới 6h cũng khiến cuộc đời bạn thay đổi rồi. Mọi thứ đều vận hành theo một quy luật nhất định mà trong đó mọi thứ có liên kết với nhau. Nếu chúng ta hiểu quy luật thì một lực nhỏ cũng hiệu quả hơn một sự cố sức rất lớn.

Một thứ đột xuất không xứng đáng với nguyên nhân thì thường sẽ mang lại bất hạnh về dài hạn. Một người dân đang rất nghèo được nhận một khoản tiền lớn nhờ đền bù đất, trúng số độc đắc, thừa kế từ ông chú, …..có thể giúp họ vui trong hiện tại nhưng về dài hạn là bất hạnh. Nếu một người nghèo sống khổ sở thì họ đã quen với sự khổ sở đó rồi. Bạn cho họ tiền để họ sống thoải mái 1 năm sau đó không cho nữa. Sau 1 năm đó họ sẽ sống khổ sở hơn nhiều so với trước đây. Một nước giàu sẽ làm một nước nghèo gặp khủng hoảng kinh tế chỉ bằng các rót thật nhiều tiền vào nước đó bằng vốn đầu tư hoặc thậm chí là cho không. Vì họ không được trang bị đủ năng lực để hấp thụ số tiền đó họ sẽ tiêu nó một cách lãng phí. Sau 5 năm (hoặc thậm chí ít hơn) các khoản vay và cho bị ngừng lại; nước đó sẽ khủng hoảng.

Tránh xa thị phi nhiều nhất có thể

Thị phi có vấn đề thị phi và người thị phi. 

Tương tự, cũng có đồ đạc thị phi, có những đồ đạc mà bạn rất ít dùng nhưng lại chiếm nhiều công sức của bạn để có được và duy trì nó.

Tóm lại, hãy tập trung vào 20% những thứ ảnh hưởng tới cuộc đời bạn thay vì cái gì cũng ôm đồm.

Nguyên tắc sử dụng thời gian

Tôi sử dụng thời gian theo hai nguyên tắc là Làm nó trở nên khan hiếm nhưng sẵn sàng dư thừa nếu cần thiết.

Chúng ta sử dụng thời gian lãng phí vì chúng ta nghĩ rằng mình có thừa thời gian. Chất lượng công việc không phải tỷ lệ thuận theo thời gian bạn dành cho nó. Bạn phải làm cho nó thật khan hiếm thì mới kích thích được các năng lực tiềm ẩn của bản thân. Chắc chắn bạn đã từng trải nghiệm trong quá khứ về việc làm một bài tập lớn, một khóa luận hay một dự án nào đó; chúng ta lãng phí 3/4 thời gian đầu và chỉ thực sự làm cho ra làm 1/4 thời gian cuối.

Muốn làm được điều này bạn phải có được sự tự kỷ luật cao, không phụ thuộc vào áp lực bên ngoài. Ví dụ sếp bạn cho bạn 1 giờ để soạn một hợp đồng thì hãy làm nó trong 30 phút hoặc thậm chí 15 phút. Nếu phải làm một việc gì đó không thích thì hãy làm ngay thay vì lo lắng 3/4 thời gian để rồi sau cũng vẫn phải làm. Giống như nếu như bạn buộc phải ăn một con cóc ngày hôm nay thì hãy ăn ngay lập tức thay vì ngồi từ sáng tới chiều tối để rồi cuối cùng vẫn cứ phải ăn.

Nhưng có những lúc bạn phải làm dư thừa để giảm áp lực tâm lý lên chính bản thân mình. Nếu phải tới một cuộc hẹn vào lúc 14h00, thời gian đi tới đó 30 phút thì hãy bắt đầu khởi hành từ 13h00. Sao phải xuất phát từ 13h30 để rồi lo ngay ngáy trong 30p di chuyển vì sợ ko đến đúng giờ?

Thực tế trong công việc hay cuộc sống tôi luôn cố gắng để dư thừa ít nhất 20% tổng thời gian mình có; có nghĩa là 20% thời gian của tôi không hề có kế hoạch từ trước đó. 20% này sẽ giúp tôi đối phó với công việc thêm mới; giúp tôi có thêm thời gian cho các vấn đề phát sinh.

Nó tương tự việc nếu bạn phải đi chợ mua một cân xoài; bạn dự kiến giá 60.000đ thì thay vì mang đúng 60.000đ thì hãy mang 100.000đ.

Tạo áp lực khi cần thiết và tạo dư thừa khi cần thiết sẽ khiến cuộc sống của chúng ta không quá nhàm chán và cũng không quá áp lực; đó là trạng thái cân bằng cần thiết khiến cuộc sống của chúng ta trở nên đơn giản hơn.

Nguồn: https://chienluocsong.com/5-nguyen-tac-song-don-gian-p2-moi-thu-deu-van-hanh-theo-quy-luat/

----------------------------

3. The winner take all

  • Nhất là có tất cả.
  • Muốn thành công bạn phải là Nhất (về một lĩnh vực nào đó có khả năng mang lại giá trị cho người khác)
  • Muốn là Nhất thì bạn phải tích tụ năng lực. (Hướng tới một mục tiêu xa, nơi bạn sẽ nhất về một cái gì đó)
  • Muốn tích tụ năng lực thì phải từng bước (mỗi ngày một chút)
  • Tích tụ năng lực cũng giống như tích tụ tiền. Lúc đầu sẽ khó, sau rồi sẽ dễ dần, tới một lúc thì nó diễn ra một cách tự nhiên mà không đòi hỏi nhiều sự cố gắng. Tương tự như quay một cái bánh đà hay đẩy một cái ô tô, lúc đầu sẽ nặng, lúc sau có đà sẽ nhẹ dần.
  • Nếu như cái bạn đang làm quyết định tới sự thành công của bạn nhưng đó lại không phải là cái bạn có khả năng làm giỏi nhất thì phải xem xét lại một chút. Dù sao thì khỉ và cá không thể thi bơi hay thi leo cây cùng nhau được.
Túm lại hãy là nhất bằng chính thực lực của mình. Hãy nhất về một cái gì đó mà cái đó có khả năng mang lại giá trị cho người khác. Những người muốn nhận giá trị đó sẽ chọn bạn.

----------------------------

4. Chủ nghĩa Tối Giản

Chủ nghĩa tối giản có thể tóm tắt bằng một mệnh đề dễ hiểu hơn “Ít hơn nhưng hiệu quả hơn“.

*. Có một cái tốt còn hơn có 100 cái gần tốt
  • Bạn hãy cố gắng chỉ sở hữu cái thực sự cần thiết. Mạnh dạn cho đi, vứt bỏ những cái không cần thiết.
  • Cần thiết có nghĩa là không có không được, dùng thường xuyên liên tục, không thể thuê ngoài hoặc thuê được nhưng với giá đắt hơn là sở hữu.
  • Mua cái gì thì hãy mua cái tốt nhất, thực sự ưng ý, cần dùng ngay. Còn lăn tăn, hoặc mua với ý nghĩa rằng biết đâu lúc nào đó trong tương lai mình sẽ dùng tới thì đừng mua. Lúc nào có nhu cầu hẵng mua. Kiếm tiền mới khó chứ mua thì lúc nào mua chẳng được.

  • *. Làm ít đi những chất hơn

  • Khi bạn càng giỏi thì số việc bạn có thể làm sẽ tăng lên. Nếu việc đến với mình nhiều lên mà mình không biết nói lời từ chối thì kết cục là stress nặng, biết thế cứ ngu như cũ còn hơn.

    Giải pháp ở đây là khả năng tăng lên phải kết hợp cùng với khả năng chọn việc để làm. Không phải nói phét chứ cứ liệt kê 100 việc bạn làm hôm nay thì chắc chắn quá nửa là việc lặt vặt có thể không làm, ủy thác. Cứ 10 cái đề nghị thì 9 cái có thể từ chối mà vẫn giữ được mối quan hệ với người đó. Cha ông ta chẳng đã bảo được lòng trước mất lòng sau còn gì. Thà mất lòng ngay từ đầu còn hơn là nhận mà làm không đến nơi đến trốn.

  • Túm lại hồi ăn lông ở lỗ, tới bữa hái trái cây ăn là xong, tới lúc ngủ thì kiếm chỗ dựa lưng là ngủ. Giờ hiện đại rồi tưởng sướng hơn, thực ra là khổ hơn, lúc nào cũng lo ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà rộng thoáng mát, sợ người này người kia phật ý. Phải biết nói lời từ chối để còn có sức tập trung vào một số thứ nhất định, làm sao đó tận dụng tối đa năng lực bản thân để cho hiệu quả nhất. Hướng về chất thay vì lượng.

  • *. Quy trình hóa những thứ có thể quy trình hóa

  • Mục này bạn chỉ cần nhớ là hầu hết những việc chúng ta làm hàng ngày lặp đi lặp lại. Bạn hãy tối ưu nó sau đó quy trình nó thành từng bước. Lần tiếp theo bạn sẽ ít phải nghĩ tới là làm gì nữa, để đầu mà nghĩ việc khác.

  • *. Đến chọn bạn cũng phải tính

    Học cách nào là nhanh nhất? Tìm cái thằng mà nó rất thích cái lĩnh vực đó, hỏi nó, một buổi nghe nó nói bằng một tuần đọc sách. Chẳng cần nó giỏi nhất, chỉ cần nó thích thì nó sẽ nói cho bạn ối thứ từ tâm can nó mà nó phải đọc trăm cuốn sách, nghìn bài báo và hàng ngàn đêm mất ngủ mới tích lũy được.

    Nếu bạn gặp cái đứa giống bạn, hiểu biết như bạn thì câu chuyện chắc chắn sẽ là chuyện phiếm, chẳng học hỏi được cái gì. Nhưng cái đứa bạn gặp làm ở một ngành khác, hiểu biết hơn bạn, sống trong môi trường khác bạn, hoàn cảnh gia đình khác bạn,,, túm lại càng nhiều khác biệt thì câu chuyện sẽ càng đáng đồng tiền bát gạo. Vấn đề chỉ là bạn biết mình muốn biết gì để thực sự quan tâm tới câu chuyến khiến cho cái thằng kia nó đừng chưng hửng.

  • Mấy ông bạn nhậu tối nào cũng gặp nhau thì làm sao mà có gì mới để nói với nhau được. Quanh quẩn cũng toàn chuyện cướp của giết người, Vietlott, thời tiết, tửu lượng,…Thế nên đôi khi muốn cuộc sống thay đổi thì cứ thay đổi môi trường sống bằng cách chuyển nhà, chuyển sang công ty khác, chuyển câu lạc bộ. Tất cả đều có thể thay đổi, trừ gia đình. Gặp bạn mới, người mới sẽ khiến đời thay đổi (tốt hay xấu thì không biết)

    Vậy nhiều bạn chẳng bằng ít bạn nhưng tinh.

  • *. Bạn là sự tối giản

  • Nếu chúng ta cố gắng theo các lý thuyết tối giản, thực hiện những điều của chủ nghĩa tối giản yêu cầu thì cũng giống như bạn đang cố gắng điều khiển một thanh kiếm, thanh kiếm là một vật vô tri bên ngoài cơ thể. Bạn sẽ cho đi nhưng rồi lại lấp đầy nó nhanh chóng, bạn sẽ căng thẳng mỗi khi nghĩ phương pháp tối giản là gì và cố gắng làm theo. Muốn vậy, bản thân bạn đã là sự tối giản.

    Tối giản lúc này in vào máu rồi, bạn sẽ không phải cố gắng nữa. Giống như việc bạn đã có thói quen dậy 5 giờ sáng trong 1 năm qua thì việc ngày mai dậy đúng 5 giờ cũng chỉ là chuyện của hàng ngày.

    Steve Jobs là đặc trưng của một người theo chủ nghĩa tối giản. Ông mặc cùng một kiểu mẫu quần áo trong rất nhiều năm, trong mọi tình huống. Do vậy, cùng lắm ông chỉ cần 5 bộ như vậy trong tủ quần áo. Tuy nhiên ông lại rất khắt khe và cầu toàn, ngay như 3 cái nút bấm bên phải của cửa sổ, ta nhìn hệ điều hành của Mac và nhìn của Windows khác hẳn nhau. Nhớ mang máng là riêng mấy cái nút đó thôi mà mấy ông đồ họa phải làm vài tháng, làm đi làm lại cho tới khi Steve Jobs đồng ý.

    Một người không theo chủ nghĩa tối giản bị phân tâm bởi rất nhiều thứ lặt vặt kiểu như ăn gì trưa nay, mặc gì hôm nay, đi bằng gì đó, showbiz hôm nay có gì mới, thời tiết hôm nay thế nào, tình hình nóng lên của trái đất, Trump sáng nay ăn mấy bát cơm,…

    Theo chủ nghĩa tối giản bạn sẽ nhận nhiều giá trị hơn và làm chủ thời gian tốt hơn.

  • Trên đường đời, sẽ thường xuyên có những trách nhiệm mới đặt lên vai. Bạn phải liên tục lựa chọn cái nào nên giữ, cái nào nên bỏ. Hãy là một người theo Chủ nghĩa tối giản bạn nhé.

  • ----------------------

5. Tập trung là sức mạnh

*. Tập trung như một thói quen

Ai trong chúng ta cũng có một tập hợp thói quen nhất định. Bản thân sự mất tập trung cũng là một thói quen và để có thể giữ được sự tập trung trong dài hạn đòi hỏi phải xây dựng thói quen tập trung.

*. Muốn tập trung phải biết từ chối

Chọn cái để không làm cũng quan trọng như chọn cái để làm vậy. Thường ta sẽ bị lôi cuốn vào cái lợi trước mắt ví như xem một tin mới, trả lời nhanh chóng một email, nhận một lời mời ăn nhậu, ngủ thêm một tí,…Những cái lợi trước mắt khiến ta quên đi cái lợi lâu dài khi hoàn thành công việc đang dang dở. Không nhìn thấy chi phí cơ hội của mỗi hành động để đánh giá được cái nào làm thì lợi hơn.

Tập trung là cảnh giới bạn chỉ nghĩ cái công việc mình đang làm. Lúc đó đầu óc rơi vào trạng thái quên thời gian. Càng tập trung thì hiệu quả càng cao mà càng ít nghĩ tới cái khác. Tập trung chưa đủ sâu dễ phát sinh các nhu cầu khác kiểu như đứng lên uống cốc nước, xem hôm nay showbiz có gì mới, có tin gì hot không. Nếu ta thỏa hiệp thỏa mãn nhu cầu thì càng về sau càng khó nói từ chối với những quấy rối của ngoại cảnh.

Do vậy, trước hết hãy học cách từ chối. Để làm được việc này đòi hỏi tính tự kỷ luật. Bạn bao gồm hai con người, một thằng nhân viên và một thằng quản lý. Nhân viên thì chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, thích hưởng thụ, lười nhác. Quản lý thì muốn đạt mục tiêu lớn, muốn mình được mọi người tôn trọng, muốn là chính mình. Với trách nhiệm làm quản lý, thằng quản lý phải quản lý thằng nhân viên.

Thằng quản lý muốn từ chối nhưng thằng nhân viên lại muốn đồng ý. Thằng nào khỏe thằng đấy thắng.

Nhân viên sẽ rất khỏe trong một con người buông thả. Anh ta hành động theo lời khuyên bảo của nhân viên. Quản lý sẽ rất khỏe trong một người nghiêm túc với chính mình. Nếu bạn chăm sóc thằng quản lý, nó sẽ ngày một khỏe lên. Nếu bạn chăm thằng nhân viên thì sẽ ngày càng yếu đi.

Kiên định không bỏ mục tiêu đã định, nhằm tới lợi ích lâu dài, mong muốn có sức khỏe và trí tuệ là những thứ sẽ nuôi lớn thằng quản lý. Mạnh hay yếu là do bạn. Nuôi thằng quản lý như nuôi lợn ý, lúc nó còn bé thì cho nó ăn ít thôi để nó tiêu hóa kịp, khi nó lớn lên thì cho nó ăn nhiều hơn. Khi quản lý còn đang yếu mà bạn tống vào mồm nó cái mục tiêu to đùng thì đời nào làm được.

*. Tập trung trong sự nhất quán (Sống trong chánh niệm)

Hãy nhớ nhất quán không phải là bạn máy móc làm một cái gì đó giống nhau ngày này qua ngày khác, nó cũng không phải là thói quen. Nhất quán là việc bạn hành xử theo những nguyên tắc không đổi. Nó giống như một bộ luật, bạn hành xử rất đa dạng nhưng theo luật.

*. Tập trung trong cả đời người

Chúng ta hay bị tình huống là khi đặt mục tiêu giả sử 1 năm, lúc đầu thì vô cùng hăng hái nhưng sau đó sự hăng hái giảm sút dần tới mức mà ta chẳng còn nhớ tới cái mục tiêu đó nữa. Nó cũng giống như khi bạn bắt tay vào làm một việc gì đó, lúc bắt đầu thì tốt sau đó cứ kém dần dần rồi tới mức quay sang làm việc khác.

Tập trung trong dài hạn đó là bạn theo đuổi một mục tiêu nào đó trong nhiều tháng, nhiều năm. Nó đòi hỏi phải tập trung thường xuyên thì mới có thể tới đích. Tuy nhiên, ta phải biết cách để tập trung trong dài hạn, căng thẳng quá lâu sẽ dẫn tới mệt mỏi và bỏ cuộc.

Theo đuổi mục tiêu dài hạn cũng vậy, không thể căng thẳng trên cả quãng đường tới mục tiêu được. Có lúc bạn chỉ cần biết rằng mình đang đi đúng hướng sau đó hãy quay sang làm việc khác. Ham muốn giúp bạn nhanh tới đích nếu biết thư giãn đúng lúc, ham muốn là rào cản nếu ngược lại.


Comments

Popular posts from this blog

Sách Nghệ thuật PR bản thân - Show your work

10 cách giúp bạn chia sẻ ý tưởng sáng tạo và được mọi người chú ý MỘT CÁCH LÀM VIỆC MỚI Bạn không cần phải tìm người ủng hộ sản phẩm của mình; họ sẽ tự tìm đến bạn. Nhưng chỉ làm tốt thôi vẫn chưa đủ. Để được tìm thấy, bạn phải nằm trong vùng tìm kiếm được . 1. Bạn không cần phải là một thiên tài HÃY TÌM MỘT CỘNG ĐỒNG TÀI NĂNG HÃY LÀ KẺ NGHIỆP DƯ 2. Tư duy quá trình, đừng tư duy sản phẩm "Mọi người thực sự muốn biết xúc xích được làm ra như thế nào" GHI CHÉP LẠI TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẠN LÀM “Hãy ghi chép tất cả những gì bạn làm. Giữ một cuốn nhật ký công việc: viết các ý tưởng của bạn vào sổ hoặc ghi âm chúng lại. Hãy lưu một cuốn album. Chụp thật nhiều ảnh công việc trong những giai đoạn khác nhau. Quay video cảnh bạn đang lao động. Đây không phải là tạo ra tác phẩm nghệ thuật, mà chỉ là để ý những gì đang diễn ra xung quanh. Tận dụng mọi công cụ rẻ tiền và dễ sử dụng mà bạn có trong tay - hầu như ai trong chúng ta cũng mang theo bên mình một studio đa phương tiện và đầy đủ chức ...

Ăn Ếch - Phương pháp làm việc hiệu quả

Mark Twain từng nói:  “Hãy ăn một con ếch sống trước tiên vào buổi sáng và không có gì tồi tệ hơn sẽ xảy ra với bạn cho đến cuối ngày”.  Câu này có thể hiểu vô cùng đơn giản, nếu bạn làm một việc  khó kinh khủng  vào sáng sớm sau khi ngủ dậy, thì từ thời khắc đó cho đến hết ngày đâu có việc gì có thể khó hơn được. Phương pháp làm việc hiệu quả Ăn Ếch  phù hợp nếu bạn: Thường xuyên trì hoãn Làm việc rất nhiều nhưng vẫn thấy không hiệu quả Chưa có một phương pháp làm việc hiệu quả Chưa biết phân chia công việc Cảm thấy có quá nhiều thứ để làm Phương Pháp “Ăn Ếch” Là Gì? Phương pháp Eat the Frog do chuyên gia làm việc hiệu quả Brian Tracy đặt tên dựa trên câu nói nổi tiếng của Mark Twain. Hiểu đơn giản là: Xác định một nhiệm vụ quan trọng trong ngày và thực hiện nó trước. Với những bạn đang có một danh sách to-do-list dài ơi là dài thì việc chỉ chọn 1 việc để làm mỗi ngày thôi nghe có vẻ lạ lẫm. Nhưng bạn đừng hiểu nhầm là mỗi ngày chỉ được làm 1 việc. Phương pháp ...